Loading...

Mục tiêu

Hệ thống thông tin chất thải rắn hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn thông thường, phân loại khu vực bị ô nhiễm và quy định bãi chôn lấp không hợp vệ sinh nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các Nghị định có liên quan.

Phát sinh

Cung cấp công cụ hỗ trợ quản lý cho các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp phát sinh chất thải rắn

Quản lý

Cung cấp công cụ hỗ trợ quản lý cho cán bộ quản lý môi trường

Tra cứu

Cung cấp thông tin Chất thải rắn cho cộng đồng, doanh nghiệp

Chuẩn hoá

Tăng cường tính thống nhất trong quản lý chất thải rắn trên phạm vi toàn quốc

Lời ngỏ


Bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề trọng yếu mang tính toàn cầu, ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới đặt thành quốc sách và trở thành nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, việc phát triển các ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, dịch vụ đã tạo tiền đề cho phát triển của đất nước nhưng cùng với đó là việc gia tăng nhanh chóng cả về lượng lẫn thành phần chất thải, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến môi trường sống, đến sức khỏe của cộng đồng và sự phát triển bền vững đất nước.

Hiện nay, mặc dù hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã được hình thành ở cấp Trung ương và địa phương, hệ thống chính sách, thể chế từng bước được xây dựng và hoàn thiện, phục vụ ngày càng có hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường của nước ta còn nhiều khó khăn, tồn tại và đang đứng trước nhiều thách thức.

Một trong những khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta hiện nay, đó là việc nắm bắt, quản lý, cập nhật, khai thác, trao đổi về hiện trạng phát sinh, xử lý chất thải rắn giữa các cơ quan quản lý chưa tốt do hiện nay chưa có một hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để quản lý. Mặc dù một số địa phương đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chất thải rắn như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Thái Nguyên…, nhưng mới chỉ nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh chưa có sự liên kết với các cơ quan quản lý các cấp, các cơ sở dữ liệu nêu trên chưa theo một tiêu chuẩn về đồng bộ dữ liệu, thông tin. Chính vì vậy, việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu chất thải rắn có tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn, góp phần công tác bảo vệ môi trường, và phát triển bền vững.

Ngoài ra, tại một số nước trên thế giới, việc quản lý chất thải thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn góp phần phát triển thị trường mua bán chất thải để tái chế, đặc biệt với chất thải công nghiệp không nguy hại. Ví dụ ở Hoa Kỳ, nơi cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phát triển, các dịch vụ thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải, các trung tâm mua bán, trao đổi chất thải đều được đăng tải trên mạng internet. Điều này không những góp phần nâng cao nhận thức mà còn tạo điều kiện kết nối giữa người dân và cấp chính quyền trong việc quản lý chất thải. Thái Lan thực hiện chương trình trao đổi chất thải rắn công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế. Theo đó các công ty sẽ kê khai số lượng, chủng loại chất thải của mình, nhập vào cơ sở dữ liệu chung (được thiết lập và duy trì bởi Bộ Công nghiệp và Viện Môi trường Thái Lan), qua đó tạo điều kiện để trao đổi chất thải.

Chính vì vậy, việc xây dựng, cập nhật và khai thác trao đổi thông tin dữ liệu chất thải rắn một cách chính xác, đầy đủ trở thành nhu cầu cấp thiết và thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin cho công tác quản lý chất thải rắn nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung. Đồng thời là cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách xây dựng những kịch bản quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Trong hệ thống quản lý chất thải rắn tại Việt Nam hiện nay, các quy định về quản lý chất thải rắn nguy hại và chất thải rắn y tế đã được thực hiện khá đầy đủ và hiệu quả. Trong khi đó, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường lại chưa được quy định cụ thể, hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường hiện nay còn khá tự do. Trong khi đó, tại một số quốc gia phát triển như Singapore, Nhật Bản, hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường đều được quy định chặt chẽ, trong đó có quy định về việc cấp phép hoạt động và chịu sự giám sát, kiểm tra trực tiếp của các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Do đó, việc xây dựng các quy định về các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường là rất cần thiết nhằm quản lý chất thải hiệu quả hơn.

Chất thải rắn phát sinh ngày càng lớn, nhưng công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động thu gom, tái chế và xử lý chất thải rắn công nghiệp đã được đẩy mạnh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc phân loại CTR công nghiệp tại nguồn còn hạn chế, thường chỉ được thực hiện đối với những chất thải mang lợi ích kinh tế, còn lại những chất thải công nghiệp khác đều được thu gom và đem đổ thải chung cùng với chất thải sinh hoạt thậm chí còn lẫn cả với chất thải nguy hại. CTR công nghiệp thường được chất thành đống trong kho chứa, hoặc tại các khu vực trống trong các khuôn viên cơ sở. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở sản xuất hệ thống kho chứa CTR còn chưa đạt yêu cầu, không có mái che, để lộ thiên trong khuôn viên cơ sở. Việc thu gom CTR trong nội bộ các nhà máy, xí nghiệp trong khu, cụm công nghiệp do đội vệ sinh của nhà máy, xí nghiệp đó đảm nhiệm và Ban quản lý khu, cụm công nghiệp chịu trách nhiệm quản lý chung. Mặt khác việc tái chế, tái sử dụng CTR công nghiệp diễn ra khá phổ biến chủ yếu là tự phát tại các cơ sở công nghiệp. Các chất thải có thể tái sử dụng được các cơ sở thu hồi để quay vòng sản xuất hoặc được bán cho các đơn vị khác để tái chế. CTR ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom và xử lý triệt để, nhiều làng nghề xả thải bừa bãi tại các khu đất công cộng, ven sông, ao, hồ gây ô nhiễm môi trường. Hiện trong cả nước đang rất thiếu các cơ sở xử lý CTR công nghiệp, việc xử lý CTR công nghiệp mới chỉ thực hiện ở các đơn vị có quy mô nhỏ. Ngoài ra, có một số cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài cụm công nghiệp, KCN hợp đồng với các tổ chức, cá nhân không có chức năng thu gom, vận chuyển, dẫn đến việc đổ chất thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại các đô thị Việt Nam chỉ đạt khoảng 83% so với yêu cầu thực tế, lượng chất thải rắn nông thôn thu gom chỉ đạt khoảng 45% và chủ yếu tập trung tại các thị trấn, thị tứ và khu dân cư tập trung. Hiện nay, hình thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu hiện nay là chôn lấp. Nhiều công nghệ xử lý chất thải rắn nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn cần chôn lấp đã được ứng dụng trong thực tế và cho kết quả khả quan như: chế biến phân vi sinh, một số công nghệ xử lý chất thải rắn hạn chế chôn lấp nhằm tái sử dụng và tái chế chất thải, xử lý chất thải rắn bằng các lò đốt chuyên dụng quy mô nhỏ, thu hồi năng lượng tại các bãi chôn lấp cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh vẫn là một biện pháp cơ bản, là khâu xử lý cuối cùng không thể thiếu trong việc kết hợp các công nghệ trên.

Theo thống kê trên toàn quốc có khoảng 458 bãi chôn lấp chất thải có quy mô trên 1 ha, trong đó chỉ có 121 bãi là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại 337 bãi là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Ngoài ra, còn có nhiều bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã chưa được thống kê đầy đủ. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh phần lớn là bãi chôn lấp tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh này đã và đang gây ra những tác động, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người và chất lượng môi trường, huỷ diệt tài nguyên thiên nhiên, huỷ hoại hệ sinh thái trên cạn, dưới nước.

Để đáp ứng yêu cầu hiện nay về quản lý chất thải, cần phải tìm kiếm các giải pháp quản lý tổng hợp, huy động nhiều nguồn lực và tài chính hơn nữa để triển khai đầy đủ các hoạt động giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn cũng như cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm do các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây ra nói riêng và các khu vực bị ô nhiễm nói chung càng sớm càng tốt. Môi trường bị ô nhiễm càng để lâu thì việc khắc phục, xử lý càng khó khăn, tốn kém và hệ quả ảnh hưởng của chúng đến môi trường và con người ngày càng lớn. Bên cạnh đó, việc tăng cường hoạt động tái chế chất thải, xử lý chất thải thu hồi năng lượng và phục hồi môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh sẽ đem lại những tác động tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư từ trong nước và nước ngoài nhằm mục tiêu phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố, cải thiện đời sống cho người dân.

Thực tế hiện nay, vấn đề khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hoạt động lưu giữ và chôn lấp chất thải là hết sức quan trọng và cần sớm triển khai mạnh mẽ. Một số khu vực điển hình có mức độ ô nhiễm cao và số lượng lớn các điểm ô nhiễm như khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh, các đoạn sông, thủy vực bị ô nhiễm ...Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, cần phải xây dựng lộ trình xử lý các khu vực ô nhiễm này một cách hợp lý, cụ thể là ưu tiên theo mức độ ô nhiễm và mức độ rủi ro tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhất là đối tượng các bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh. Theo Điều 23 Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn trình tự, thủ tục, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động. Do đó, để sớm triển khai hướng dẫn Nghị định, cũng như giải quyết các yều cầu thực tiễn hiện nay, việc xây dựng Thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt là hết sức cần thiết.

Công tác quản lý chất thải rắn thời gian qua trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, các cấp, ngành và địa phương đã thật sự vào cuộc nhưng nhìn chung tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do từ trước đến nay, hầu hết các đô thị nước ta đều xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp. Các bãi chôn lấp đa số đều chưa đạt yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường mà chỉ là bãi lộ thiên, không có quy hoạch, không hợp vệ sinh, không được xử lý chống thấm bãi và xử lý nước rỉ rác một cách triệt để, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mặc dù đã có tiêu chuẩn thiết kế bãi chôn lấp chất thải nguy hại ban hành năm 2004, tiêu chuẩn thiết kế bãi chôn lấp chất thải rắn ban hành 2001, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD ngày 18/01/2001 về hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn, QCVN 07:2010/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị” trong đó có quy định quản lý và lựa chọn Vị trí bãi chôn lấp chất thải rắn, nhưng quá trình thực hiện các quy định vừa nêu cũng gặp những vướng mắc, trong đó có vướng mắc liên quan đến cùng một nội dung nhưng quy định giữa các văn bản có sự khác biệt, không đồng bộ dẫn đến bất cập trong quá trình thực hiện và thực tế hiện có rất ít công trình xử lý đáp ứng các quy định hiện hành.

Trên thế giới, việc phục hồi các bãi chôn lấp chất thải đã được tiến hành thông qua việc áp dụng kỹ thuật và thiết bị hiện đại nhằm thu hồi khí CH4 để phát điện, biến các bãi này thành công viên nhằm cải thiện môi trường không khí phục vụ cộng đồng. Để quản lý và tiến hành phục hồi hiệu quả các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh nêu trên, trước hết cần phải xây dựng hướng dẫn cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh nhằm xây dựng chương trình phục hồi môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh gây ra.

Trước tình hình trên tại phiên họp của Kỳ họp thứ 7 ngày 23 tháng 6 năm 2014 Quốc hội Khóa XIII thông qua Luật bảo vệ môi trường và nhằm sớm triển khai Luật vào thực tế Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu. Để triển khai các nội dung trên Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường đề xuất nhiệm vụ “Khảo sát, đánh giá phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin chất thải rắn và các quy định về quản lý chất thải rắn thông thường, tiêu chí phân loại khu vực bị ô nhiễm và quy định bãi chôn lấp không hợp vệ sinh nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các Nghị định có liên quan”.